Người đàn bà bất hạnh hay bồ tát đang vượt qua thử thách cuối cùng

Trong một lần tổ chức Đàn lễ cầu siêu cho các liệt sĩ 3 tỉnh Quảng Bình – Quảng Trị – Huế. Sau khi mọi việc đã hoàn thành, chúng tôi cùng ngồi lại tại chùa Cam Lộ. Lúc này nhiều người dân mong được nghe một bài Pháp của Hòa Thượng. Một người đàn bà rất đau khổ quỳ dưới chân Ông:

– Thưa thầy! Con có làm gì nên tội đâu? Sao cuộc đời con có quá nhiều đắng cay?  Nhà con đêm nằm thấy sao trời, gió lạnh coi nhà con như chỗ chơi đùa của nó, Trộm vào bê cả mấy thứ lặt vặt cuối cùng của con. Chồng con ốm đau, bệnh tật liên miên, đứa con mà con yêu quý nhất trên đời đã bỏ con mà đi. Thầy cho con hỏi vì sao con tín Phật, ngày đêm thường tụng kinh, khấn lễ, sao Phật không cho con chút tình thương? Hay con nghèo khổ nên không chỉ bị mọi người khinh rẻ, mà Ngài cũng không nhìn đến con?

Nhà sư ân cần:

– Con ơi! Nhiều khi đó là quả báo của con từ nhiều kiếp trước, có những hành động mình gây ra, bây giờ mình phải trả con ạ! Con nên nghĩ Phật thương con, nâng đỡ cho con nhiều lắm nếu không con còn có thể khổ đau hơn. Hãy chấp nhận nó, coi như ta đang trả món nợ tiền kiếp. Hãy cố quên đi và chăm chỉ tu hành, tụng kinh, niệm Phật để vơi đi bớt khổ đau. Thầy tin rằng, nỗi buồn vơi dần, hạnh phúc an lành sẽ đến với con, kiếp sau con sẽ được tròn viên mãn.

Người đàn bà tự vấn lương tâm:

– Có phải kiếp trước con trộm cắp nên bây giờ đến cái nồi, cái xoong cũng mất? Kiếp trước con hành hạ chửi bới chồng nên bây giờ chồng ốm đau bệnh tật để con phải hầu hạ trả oán hay con giết người nên giờ người giết con của con? Khổ đến thế rồi mà còn bị làm nhục thêm lần nữa?

Nghe chuyện buồn của người đàn bà bất hạnh, tôi xin được nói chuyện của bà với các phật tử. Bà định ra về nhưng tôi nói:

– Nếu chị ở lại tôi tin là chị sẽ thấy bớt buồn.

Chị ngần ngại chắc vì không muốn mọi người nghĩ đến tiền kiếp xấu xa của mình. Câu chuyện như sau:

Lần ấy tôi đi theo thầy tên Tư nhà Nguyễn Xiển – Hà Nội làm lễ tại đền Mẫu Hàn Sơn – Thanh Hóa. Trong khi làm lễ tôi thấy Thầy tư nói với một đệ tử: Mẫu chứng cho lòng thành của con rồi, từ trước đến nay Mẫu luôn đi theo phù hộ cho con đấy! Mẫu kể lể công lao rất nhiều đủ thứ trong đời, cuộc nói chuyện thông qua thầy Tư có đến 30 phút. Nhưng khi hỏi sao mãi vẫn vất vả nghèo đói, khổ sở như vậy? Mẫu nói, để Mẫu tâu với Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế để Ngài xóa tội cho thì Mẫu mới dám ban tài phát lộc… Nói chung là sắp giàu có đến nơi rồi.

Tôi ngồi đó im lặng, ngắm nhìn người đàn ông luống tuổi đang rất thành kính. Vì tôi biết ông ta là người rất tốt, đi đòi nợ, thấy con nợ nghèo quá lại rút tiền ra cho. Bạn bè lừa lấy hết tài sản ông nói: “Nó nghèo hơn mình mới lừa mình”. Vợ ông cuỗm hết tài sản đi theo người khác, ông chỉ chép miệng: “Chắc kiếp trước mình là Tây Môn Khánh hãm hại đàn bà nhiều quá nên nay “quả báo”. Nhà cửa không có nay thuê chỗ này mai nhờ chỗ khác. Nhưng làm từ thiện thì ít ai bằng, kiếm được tiền là nghĩ ngay đến tổ chức từ thiện, rất nhiều người gom góp tiền bạc cho ông, có năm tới 2 tỷ. Lặn lội tìm mua tận gốc từng cái chăn, cái áo, mũ len.. của nhà sản xuất, nài nỉ xin giảm giá, kêu gọi họ cùng góp sức. Nên hầu hết họ chỉ lấy tiền vật tư hoặc không nhận một đồng lãi. Nhiều báo đài đến xin được đưa tin ông nói: Không nhà không cửa, nghèo thế này nói đi làm từ thiện chỉ phản tác dụng, ai tin. Mà tiền của bao nhiêu người có tâm Bồ Tát đóng góp, chứ tôi có đồng nào đâu. Lầm lũi thuê hàng xe tải hàng lớn, đi giúp đồng bào bão lụt, học sinh nghèo các tỉnh vùng sâu vùng xa.

Thực ra câu chuyện của thầy Tư là bốc phét, láo toét. Tôi nghe được như thế này. Mẫu về và nói:

– Anh là bậc rất cao ở trên kia xuống đây để tu theo Phật đấy! Anh còn là bề trên của tôi nữa kia, tôi độ cho Anh sao được mà chỉ có anh độ cho tôi thôi. Rồi tôi thấy khi anh hỏi sao đời con khổ mãi thế ? có bóng của một vị Vua rất oai phong (có lẽ đó là Ngọc Hoàng), xung quanh có 4 vì thiên vương theo hầu (Chỉ là ảo ảnh như bóng mờ sương vậy), Ông chỉ nói một câu thôi: “Có khổ mới biết thương người, sau này về mới nhìn được hết nỗi thống khổ của người ta, mới giúp được người ta chứ”. Rồi toàn bộ các bóng đó thăng mất. Khi họ đã đi lâu rồi thầy Tư vẫn huyên thuyên giảng giải những điều tưởng tượng.

Từ đó tôi thường nghĩ; liệu có phải những con người khốn cùng kia, họ là tiên, thánh trên trời xuống trần gian để tu. Hay họ là những vị bồ tát, đang chịu đựng những thử thách cuối cùng trước khi thành chính quả.

Thầy trò đường tăng đi thỉnh kinh. Đường Tam Tạng là nhà tu hành đức độ đã tu nhiều kiếp mới lên được Hòa Thượng, được nhà vua cho đi Tây Trúc thỉnh kinh. Vậy mà trên đường đi còn gặp bao nhiêu kiếp nạn, khổ đau nhiều lần tưởng chết đến nơi. Dù bị hành hạ, khổ nhục đến bao nhiêu Thầy cũng không nản, quyết đi đến cùng. Đã thỉnh được kinh nhưng mới trải qua 80 kiếp nạn Thầy trò lại phải rơi xuống sông, ướt hết cả kinh sách, chịu đủ cho đủ 81 kiếp nạn. Lại phải quay lại xin bộ kinh khác. Lúc này mới thành chính quả. Vậy thưa bà trong một hành trình dài 3 năm, một người đức độ như vậy, còn phải chịu bao kiếp nạn mới tới được bến bờ giác ngộ. Bao nhiêu đau khổ của bà đã trải qua, có phải là những sự thử thách không ? Như người xưa thường nói: “Càng gần đến đích càng gian khổ” – “Càng gần thắng lợi càng nhiều gian nan” Biết đâu Bà đã tu nhiều kiếp, đến kiếp này là thử thách cuối cùng mà Bà phải vượt qua. 18 vị La Hán bên cạnh đức Phật, kiếp cuối cùng phải làm thảo khấu, ăn cướp của người qua đường, bị người đời phỉ nhổ, trốn chui, chốn lủi trong rừng. Không gia đình, không một một mái ấm, tình thương, không tự do đi lại phố phường đó đây. Khi đã hết kiếp nạn, được gặp Phật giáo hóa lại cái căn tu từ nhiều kiếp trước. Buông đao, búa xuống, họ đã thành Phật La Hán, đi theo hầu cận bên đức Phật. Trước khi được làm một vị thần, thánh, bồ tát, Phật… có thể cứu giúp được chúng sinh, người đó phải chịu nhiều kiếp nạn, đau khổ, bi ai đến tận cùng nỗi thống khổ của những người nghèo, hèn bần cùng nhất. Chỉ khi trải qua những kiếp nạn đó, ta mới thấu hiểu mới biết, thương yêu chúng sinh muôn loài, ta mới có thể làm thầy tốt và giầu lòng nhân hậu được”.
Nghe đến đây người đàn bà òa khóc: “Xin được sám hối cùng người con đã không hiểu, đã trách móc người quá nhiều, Xin được lượng thứ cho suy nghĩ nông cạn của con”.

 

Mọi người lúc này nhìn Bà với con mắt khác hẳn, tò mò và có phần kính trọng. “Hòa thượng vỗ về bà và nói: “Không chỉ mình con nông cạn đâu, thầy xin lỗi đã làm con đau khổ thêm”. Khi thầy xin nhận tôi làm Đại huynh tôi chỉ lắc đầu.

Người ta đã đau khổ, xin đừng làm họ nhục thêm. Không ít người thấy kẻ khác khó khăn hoạn nạn lại tìm thêm lý do để vùi dập và lấy làm hoan hỷ, đời nó khốn nạn hơn mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *