TÌM THUÊ NHÀ và MUA NHÀ

Không biết có ai điêu như mụ vợ em không? Lúc nào mụ ấy cũng than vãn không có tiền, thiếu tiền, nợ điện, nợ nước, nợ cả con bán trứng vịt lộn hay đi bán dạo qua nhà. Mà lạ, tháng nào em cũng đưa tiền về, nộp đầy đủ cho mụ.

Mấy mươi lần em thủ thỉ với mụ mua cho em cái xe tay ga để lên huyện hay về với mụ cho mát cái mặt. Mụ tỉa tót:

– Đi xe tay ga, người ta tưởng ông giàu, đứa nào nó thuê nữa. Mà khi xuống dốc, xe nào an toàn bằng xe số được. Hay là ông định để ý đến con nào trên huyện đấy thì bảo, để tôi lên cái xóm trọ nhà ông kiểm tra mới được.

Thế là em lại im, chẳng dám lằng nhằng. Mụ mà lên cơn có mà lanh tanh bành, không chỉ làng em, có khi còn ra toang khắp cả huyện. Vậy mà thằng cu nhà em vừa lên cấp 3, mụ đã đòi thuê ngay nhà cho con nó ở không phải đi về vất vả. Em hỏi tiền đâu, mụ bảo cứ để mụ lo. Thật đúng đời không có ai điêu như mụ. Với chồng thì lúc nào cũng thiếu cũng túng. Thế mà với con cái thì cái gì cũng có, lúc nào cũng chỉ sợ người ta coi thường con mình. Mụ bảo

– Giáo sư, Tiến sỹ, Kỹ sư làng mình đều mua bằng đểu của học viện DOCONLON. Con nhà mình phải học thật, thi thật, bằng thật thì mới mát mặt thật với ông bà tổ tiên được.

Hai bố con đọc hết các trang môi giới nhà đất, đi khắp các nơi tìm khắp các trốn mà chẳng có căn nào ưng ý. Em nản quá định thuê đại cho xong, mụ làm ầm lên:

– Nhà có phải chỉ ở đâu! Nó còn liên quan đến trăm thứ “loằng bà là ngoằng”. Mang tiếng công tác trên huyện mà chả học được cái gì sất. Đến giờ tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại sống được với ông ngần ấy năm kia chứ.

Nói rồi mụ quay lưng lại, móc móc từ chỗ hiểm ra mấy tờ 2.000 nhăn nhúm, nhầu nhĩ lại còn ẩm ẩm nữa. Em chẳng dám đưa lên gần mũi, ngửi xong chắc ngất mẹ nó luôn!

– Đây ông ra đầu làng, uống nước với “Lão Nhà Quê”, học hỏi người ta xem có cao kiến gì không? Bao nhiêu ngày giời không tìm được cái nhà trọ Balanha cho con.

Đấy các bác xem! Đưa cho mụ bao nhiêu cũng ít mà bây giờ đi học khôn, mụ đưa còn không đủ tiền ăn thêm vài cái quấn thừng hay cái kẹo lạc, bánh rán.

Quán nước vắng vẻ, gió nồm nam hây hẩy ngọt dịu. Lão ngả người vào gốc cây sần sùi trên mặt đậy cái nón mê rách cũ, chắc đang say sưa mơ về một cõi thiên thai nào đó. Cái cô Hến con nhà Lão Sò ngày nào ào đến với lão như tiên nữ giáng trần như thiên thần xa vào tổ quạ trong bài “SUY GIÃN HỎNG VAN TĨNH MẠCH HUYẾT KHỐI” bỏ đi, vì không chịu nổi cái nghèo, không chịu nổi những lời su nịnh tâng bốc, ngợi khen si mê của lũ đàn ông với vẻ đẹp mặn mà đằm thắm của cô.

Người đời thường oán trách cô xinh đẹp ra là nhờ công chữa bệnh của Lão, thật vô ơn! Nhưng với lão thì hạnh phúc như vậy là quá đủ. Được người bệnh tin tưởng cho mình chữa bệnh đã là quá hạnh phúc rồi, là hơn bao nhiêu thầy thuốc, thầy lang trên huyện, trên tỉnh rồi. Lão nói:

– Thói thường khi chia tay, người ta chỉ nghĩ những điều xấu từ cử chỉ, lời nói, lầm lỗi của người kia. Còn anh chỉ nghĩ đến những tháng ngày tốt đẹp, thậm chí những phút giây được kề cận người ta. Được người ta ôm ấp, được nghe những lời dịu ngọt, tán dương là anh lại thấy ấm lòng, là lại thấy mình lắm phúc, nhiều đức mới được hưởng những giờ phút thăng hoa, hạnh phúc ấy. Đi ăn cỗ dù ngon đến mấy cũng đến lúc phải hết, phải dừng ăn, phải về, phải dời đi. Sao cứ đòi người ta phải yêu mình mãi mãi. Trong khi mình đã làm được những gì mà người ta mong muốn, hi vọng, đợi chờ? Vì cô ấy, anh ấy xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp hơn những gì mà mình đã làm cho người mình yêu.

Người ơi! Khi giận hờn nhau, hãy nhớ lại những điều tốt đẹp nhất ta đã từng hưởng khi sống gần bên nhau. Hãy nhớ đến cảm giác, những lần thăng hoa sung sướng, những kỷ niệm, những nơi ta đã từng đến, từng đi bên nhau nô đùa hạnh phúc bên nhau thì sẽ không bao giờ có cuộc chia ly, không bao giờ các con phải xa lìa bố mẹ. Không có mụ dì ghẻ độc ác, không có lão bố dượng đểu giả, rỉa rói, xỷ vả, nhục mạ, hành hạ con mình.

Viết đến đây, tự nhiên em thấy cứ cay cay, nước mắt em không cầm được. Các bác ạ! Đời biết bao người con đau khổ vì sự hiếu thắng của mẹ cha.

Không biết có phải suy nghĩ của em bật thành lời không mà Lão tỉnh dậy, ngơ ngác nhìn em:

– Chú về bao giờ thế? Vừa pha ấm trà mới lão vừa vừa hỏi thăm các công ăn việc làm của em trên huyện. Mùa Covid 19 này có thất thểu thất thu không?

Em kể cho Lão thằng bé được vào lớp 10 phải lên huyện học. Vợ bắt đi tìm thuê nhà 2 bố con ở cho đàng hoàng. Sợ thằng bé về chỗ trọ em vẫn ở, tiêm nhiễm thói hư tật xấu của dân nghèo xóm bụi. Em thì nghĩ: – Hư cái chết tiệt! Dân bụi chỗ em tiền ăn còn chẳng đủ, lấy đâu ra mà hư với hỏng.

Lão trầm ngâm:

– Vợ chú nói đúng đấy! Ngôi nhà tốt mang lại hạnh phúc, bình an, ăn nên làm ra, đắc tài, đắc lộc. Nhà có vong bên dưới, đất dữ vì trước đó là của một vị thần nào đó cai quản hoặc nơi ấy trước là đất thờ tự của dòng họ nào đó, của đền, chùa. Hay đơn giản là nơi trấn yểm của bọn Tầu, của một ông chủ giầu có chết, luyến tiếc mảnh đất, giờ không chịu đi, khư khư ôm lấy, không muốn cho ai về ở … Nhà trên mảnh đất này, thờ cúng tốt mấy cũng chỉ đỡ xấu, chứ không thể tốt hẳn lên được. Chưa kể mình có duyên với mảnh đất ấy không, vị thần linh ở đấy có hợp với mình không, có yêu quý mà muốn phù hộ độ trì cho mình không …

Em hoảng quá:

– Mình là người trần mắt thịt, làm sao nhìn được bên dưới mà biết đất nào tốt, nhà nào xấu lại còn quan thần linh, thần hiển nữa.

Lão nhìn rất xa một lúc lâu như lục lọi trong trí nhớ, rồi nói:

– Cái gì cũng có điềm báo cả. Xưa vua Lý Công Uẩn khi đi đến thành Đại La có đám mây cuồn cuộn dưới dáng chiều vàng như rồng hiện ra từ vùng đất ấy bay lên, báo điềm lành, đất tốt hiển linh. Ông dừng thuyền ngủ qua đêm, sáng dậy thấy thanh bình, khoan khoái lạ thường. Cho rằng điềm trời báo hiệu, liền cho đổi “Đại La” thành “Thăng Long” rồi quyết định rồi đô về đây. Tên “kinh thành Thăng Long” là từ tích đấy.

Em đứng lên ưỡn ngực đi vòng quanh gốc cây hít đầy một bầu không khí mà sung sướng mà mãn nguyện. Chỉ có Lão Nhà Quê này mới ví em như đức vua đi tìm vùng đất thiêng cho con trọ học. Mụ vợ em mà biết chuyện này, chắc mụ nghiêng mặt lên trời cả ngày mất.

Lão không cần biết em đang làm gì cứ nhẩn nhà nói:

– Đi tìm thuê nhà, mua nhà đều có điềm báo cả. Chỉ có điều người ta không để ý mà thôi. Chợt tỉnh cơn mê, em vội hạ cái bàn tọa xuống ghế để học khôn. Lão nói tiếp:

Khi chuẩn bị đi xem nhà có mấy điềm sau:

1 – Trước khi đi vợ chồng bỗng dưng muốn cãi nhau, vỡ gương, đổ chai nước mắm, tan tành ấm chén, bát đĩa do đánh rơi …

2 – Tự nhiên có khách hay có việc cần giải quyết gấp, lằng nhằng mãi không thể đi ngay được.

3 – Có mèo chạy vào nhà hoặc mèo nhà kêu gào.

4 – Ra cửa hỏng xe, xịt lốp, gặp người xưa nay mình vốn rất không ưa, có đám cãi nhau hoặc to tiếng.

5 – Trên đường đi tắc đường, đám đánh chửi nhau, tai nạn giao thông, hay gặp toàn đèn đỏ gấp 2 – 3 lần đèn xanh.

6 – Gặp đám ma hay hai lần xe cấp cứu, rú còi inh ỏi.

Nếu nhà đất tốt trên đường đi:

1 – Gặp đám trẻ con, chơi đùa vui vẻ.

2 – Gặp đám cưới, đám ăn hỏi, tiệc sinh nhật

3 – Đường thông suốt, gặp nhiều đèn xanh gấp 2 – 3 lần đèn đỏ.

 

Đi xem nhà:

1 – Nên đi với trẻ con, phụ nữ. Nếu họ cảm thấy thích là nhà tốt, thấy nặng nề, khó chịu là xấu vì họ rất nhạy cảm. Trong việc này không thể dùng quyền là bố, quyền là chồng quyết định thay họ được. Tuy nhiên nếu muốn vỡ nợ, phá sản, đánh chửi nhau, bỏ nhau chia tay thì thằng đàn ông có toàn quyền ra oai.

2 – Nếu có con chó đi cùng càng hiệu nghiệm, chó ít tuổi tốt hơn chó già, dưới 3 tuổi dễ nhận thấy phản ứng của chó. Có thể mượn hoặc rủ người có chó đi cùng. Nếu con chó có vẻ sợ sệt, không muốn vào hoặc đang bế trên tay không muốn được thả xuống, chỉ muốn leo lên cao hơn trên người. Rẻ cũng không thuê, cho cũng không ở. Nhà tốt, nó sẽ vẫy đuôi vui vẻ, chạy khắp nhà chỗ nào cũng hít cũng ngửi, cách sủa rất có cảm tình như nói tốt tốt.

Gặp người hàng xóm phúc hậu, chào hỏi, vồn vã có nhận xét tốt về chủ cũ ngôi nhà. Là nhà tốt.

Gặp người lầm lỳ, anh mắt soi mói, dò xét, lấm lét, chủ cũ là kẻ xấu hoặc khó ưa. Nhà đất xấu.

Gặp chủ có vẻ kẻ cả, tinh tướng hoặc hỏi kỹ mãi rồi mới mở cửa, mở xong đóng ngay, lầm lỳ, lấm lét muốn dục nhanh, kết thúc thật nhanh. Là đất xấu chủ nhà đang nợ hàng đống tiền. Mua vào sẽ suốt ngày có người đến tìm đòi nợ chủ cũ.

Nhà ẩm mốc, thấm rột, sàn lênh láng nước, mùi khó chịu … là nhà đầy ma quỷ.

Em lặng lẽ uống hết chén này đến chén khác của lão. Trà bồm rẻ tiền chắc không ngon lắm nhưng với em, ngon bằng mấy mươi lần chổng mông tu nước máy.

Em đợi Lão giảm bớt hào hứng, mới mạnh dạn dơ tay:

– Anh ơi! Nhiều mục thế em có phải thiên tài đâu mà nhớ hết được. Mà em hỏi như em nhà đang thuê, muốn cho thuê lại hay người mua nhà muốn bán nhanh nhà cũ để mua nhà mới thì có cách nào không anh?

Lão lại cười, (dạo này sao lão hiền thế):

– Chú hãy luôn nhớ câu “Muốn được thì cầu cho người khác”. Mỗi sáng dậy, chú đứng trước ban thờ nếu không có ban thờ thì đứng trước cửa hướng ra ngoài khấn:

– Con cầu xin các ngài, các cung các cõi linh thiêng, phù hộ độ trì cho người về ở ngôi nhà này,được lắm tài, nhiều lộc, mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc.

– Con cầu xin các cụ tổ tiên, hai bên nội, ngoại dòng họ ……. Phù hộ độ trì cho chúng co, tìm được đất (hoặc ngôi nhà) sạch sẽ, tốt đẹp, linh thiêng, Các quan thần linh, tuyệt vời, nhân hậu, quý người để con cháu về ở được mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc, lắm tài, nhiều lộc … Gia tiên, tiền tổ được tự hào về sự vinh quang, phương trưởng, của con cháu.

Khấn 3 lần như vậy mỗi ngày, người đến xem nhà không bị thần linh xua đuổi họ dễ mua, dễ thuê.

Các cụ tổ tiên thấy con cháu thành tâm lại có lời thành kính sẽ rất vui vẻ mà tìm kiếm, đưa đường chỉ lối cho chúng ta.

Các quan thần linh, thổ địa sẽ đi theo giới thiệu kỹ với thần linh nơi ở mới. Chúng ta là người tử tế, biết trên, biết dưới, biết tôn kính các cung, các cõi linh thiêng. Thần linh nơi mới sẽ vui vẻ mà độ chúng ta ăn nên làm ra, đắc tài đắc lộc.

Ôi “loằng bà là ngoằng” quá! Các bác đọc đến đây có hiểu gì không?

Không biết làm theo “Lão Nhà Quê” này, con em có thi đỗ được đại học không các bác!

Trân trọng kính chào!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *