Dạo ấy tôi hay đến một ngôi chùa thuộc tỉnh Bắc Ninh. Chùa thật thanh tịnh vì nghèo, dân ở quanh đó chẳng tin gì vào Phật. Sư thầy là một vị Ni cô mặt có vẻ phúc hậu. Từ ngày thầy về, chùa ngày một đông khách lên, nhất là khách thập phương. Chỉ sau 2 năm ngôi chùa đã khang trang hẳn lên. Tượng phật được thiếp vàng, nhà khách, nhà mẫu được xây mới, sân, tường, cổng, rào được làm lại rất đẹp.
Thỉnh thoảng tôi tổ chức đi lễ ở các tỉnh xa nên có mời thầy đi cùng. Quan hệ lâu ngày tôi phát hiện ra thầy là người nóng nảy. Lên cơn là thầy văng tục chẳng kém tôi là mấy. Tiền công quả của phật tử thầy bớt một phần mua nhà cho con gái riêng. Thầy che dấu quá khứ đã có một đời chồng, có con rồi mới đi tu.
Khi đó tôi giận, và rất coi thường thầy không đến chùa đó nữa. Hơn một năm sau khi quay lại nhờ thầy một việc nhưng vì thầy háo quá danh nên hỏng. vì thầy khấn xin đàn lễ thầy là chủ tế, các ngài không cho, xin đến 13 đài âm dương cũng không được.
Tôi đem việc này nói với Quan thần linh và Đức Ông tại đó:
– Tại sao ngài lại để một người thiếu đạo đức đến ở đây, tham lam, vô đạo, háo danh làm ô uế cả ngôi chùa này. Người này lễ cho phật tử thì sao mà linh được. Quan thần linh chỉ cười rồi nói Đức ông trả lời thay:
1 – Anh còn nhiều sân hận nên anh ghét bỏ người ta.
2 – Anh cũng háo danh nên khi người ta có ý định lấy danh của anh thì anh giận.
3 – Người ta xấu đó là việc của người ta sao anh buồn bực chuyện đó để làm gì? Từ bi hỉ xả mà.
4 – Nếu thầy đó lễ không linh thì sao người ta tin và đến với thầy đó ngày càng đông? Và dân làng ngày nay đã biết đi lễ phật đấy thôi.
5 – Nếu người ta quá tham lam thì đâu có ngôi chùa được xây dựng mới này.
6 – Ô uế ư? Từ ngày thầy đó về không chỉ trong chùa mà đường làng ngõ xóm cũng sạch đấy chứ.
7 – Tội ai làm người ấy chịu anh có phải chịu thay đâu mà sao anh lo lắng quá vậy?
8 – Nếu anh không muốn thầy đó ở đây thì anh giới thiệu ai đạo đức hơn được không? Hơn 40 năm chùa bỏ hoang, may có người này chịu về. Biết thầy ấy chưa trọn vẹn nhưng nếu chọn anh, anh có chịu về không?
9 – Anh vì ganh ghét người ta nên chỉ bới móc cái xấu mà không nhìn thấy cái được. Sư cũng là người đang phải tu, phải sửa, đâu dễ gì bỏ được cái xấu trong một đời người, một kiếp tu.
Thói thường là thế. Chúng ta chỉ bới móc cái sai, cái xấu của người khác để chứng minh họ không bằng mình để thỏa mãn lòng tự cao tự đại của mình.
Giá như mọi người gặp nhau, sống với nhau, chỉ tìm các mặt tốt, mặt được, những điều thiện, điều hay họ đã làm. Để quý mến, ngợi khen, nâng tầm họ lên để chính họ và mình cùng tự hào, cùng phấn đấu.
Nghĩ tốt, nhận xét người khác tốt đã là “Bồ tát” Phật.
Nói xấu, nghĩ xấu người khác, mãi mãi chỉ là “Lão nhà quê” thôi.
Đức Ông kết luận!
Lão Nhà Quê – Vi Diệu Nam Dược ( 17/10/2021)