Bác ơi! Gia đình con có 4 anh chị em, 2 trai 2 gái nhưng mà Ba con trọng nam khinh nữ. Những điều tốt đẹp đều dành cho con trai, con bị ba đuổi ra khỏi nhà khi cãi nhau với chị dâu (khi đó con vẫn chưa lấy chồng), ngày cưới của con, con chỉ về nhà làm lễ gia tiên cho đúng đạo làm người.
Vợ chồng con đang ở phòng thuê. Anh trai con có nhiều tiền nhưng ích kỷ và keo kiệt, ba của con chỉ dành tình thương gia đình 2 người con trai… Bây giờ, cứ thỉnh thoảng là Ba con lại chửi mẹ con vì sinh ra con là con gái… Nhiều lần con muốn thù hận ba và vợ chồng anh trai lắm nhưng con muốn mình quên đi sân si, thù hận mà sao con không làm được. Nghĩ tới lòng con đau như dao đâm. Con cố gắng trì tụng Chú Đại Bi mà mỗi lần nhắm mắt là con lại nhớ tới những lời nguyền rủa, đánh đuổi của người cha thô bạo. Con phải làm sao đây Bác? Con muốn được thanh thản mà lòng trĩu nặng, giận hờn tủi hổ.
Con mong nhận được những lời khuyên của bác. Vì chưa chưa bao giờ nhận được tình thương của một người cha dành cho con. Con ước có một người cha thật là CHA bác ơi!
Nhận được thư tôi tức tốc lên đường. Phải đến ngay gặp Tam tòa thánh Mẫu để hỏi tại sao đời lại lắm chuyện trái ngang. Sinh ra con mà lại căm ghét con. Là con mà sao lại thù hận cha không nguôi được dù đã niệm Phật chăm chỉ, chuyên cần.
Mẫu lắng nghe rồi lắc đầu. Mẫu nói: Chuyện đó, mẫu cũng không rõ lắm nhưng để Mẫu kể chuyện này:
Ngày ấy, khi Mẫu còn ở trên thiên đình, có một người đàn ông làm đơn kiện đến tận Ngọc Hoàng Thượng Đế:
– Vì sao cả 2 người là con mà đều là con trai nhưng người cha chỉ vun đắp cho con trưởng, từ chuyện học hành đến tiền bạc, chu cấp cho ăn học đến nơi đến chốn. Khi người con cả lấy vợ được ông cho một ngôi nhà riêng, nhiều tài sản để làm vốn … Trong khi người em chưa bao giờ được ông quan tâm dù không công ăn việc làm, đêm đêm ngủ nhờ hành lang, vỉa hè… Mẹ ông cũng vậy, bà chỉ biết đến 2 người con mà bà có với người chồng sau. Mặc cho ông dặt dẹo, nay đây mai đó cùng lũ bạn đầu đường cuối chợ. Thông minh có tài nên được nhiều chủ thuê làm và trả lương cũng khá nhưng không nhà không cửa nên ai cũng cảnh giác, lánh xa. Tính lại thích lang bạt kỳ hồ nên chẳng đâu trụ được lâu. Mỗi lần bị đuổi là lại đói rét, không tiền, không nơi nương tựa dù cha mẹ đều còn sống và ở ngay gần mà họ chẳng hề nghèo. Ông là người tử tế hay yêu thương giúp đỡ mọi người nhưng cứ có ít tiền, chưa kịp mua sắm nhà cửa là lại mất hết, không bị người ta trộm thì cũng bị đối tác tráo trở, bạn bè, người thân lừa đến trắng tay lại làm lại từ đầu. Ông kiện vì ông có độc ác với ai đâu mà sao đời cứ lầm than mãi. Già đến nơi rồi mà vẫn nay đây mai đó, vẫn phải thuê nhà để ở. Anh ông 2 nhà, em ông cũng 2 nhà, ngay cả đứa cháu ông cũng có nhà cửa đàng hoàng.
Mẫu kể tiếp:
– Mẫu nghe câu chuyện đáng thương cũng có ý xin vua cha Ngọc Hoàng Thượng Đế mở kho cho người ấy. Vua cha cho người đưa mẫu đến một tòa nhà nguy nga, tráng lệ, thỉnh thoảng lại có người đến dâng cúng bạc vàng, châu báu. Mẫu hỏi chủ nhân là ai thì được biết ông đang đi học tập ở đâu đó xa lắm. Khi về đến Thiên đình, Vua cha cho Mẫu biết người đó Phải tu rất nhiều kiếp mới được về trên này, hưởng thụ vinh hoa phú quý. Chủ ngôi nhà đó, chính là ông ấy. Ông xin với Thiên đình được tiếp tục xuống trần gian để tu luyện lên thành bồ tát, thành Phật vì cõi tiên đã trở nên nhàm chán. Ông muốn cha sắp đặt sẵn cho cuộc đời mình thật cực khổ để có thể tu được nhanh hơn để rút gọn thời gian.
Cha đã làm theo lời ông ấy. Nhưng con ơi! Thực lòng cha cũng không đành lòng để ông ta quá khổ như bệnh tật, mù lòa, tàn tật, tù tội liên miên mặc dù cũng có vị bồ tát chọn con đường này.
Mẫu đã theo dõi người này nhiều năm sau đó. Dù bị cha mẹ hắt hủi, anh chị em khinh rẻ, coi thường vì là đứa con vô thừa nhận. Nhưng ông vẫn về chăm sóc khi mẹ ốm đau bệnh tật. Tang ma đầy đủ cho cha (mặc cho nhưng người con khác nói chết là hết), thờ cúng chu đáo cho cả cửu huyền thất tổ, nội ngoại đầy đủ. Ông vẫn còn khổ vì con đường ông lựa chọn chưa qua hết. Quà dâng cúng của biết bao người vẫn còn để nguyên trong kho, khi kết thúc con đường tu hạnh Mẫu nghĩ tài sản công đức đó, khó ai bằng.
Nếu như người ta nhìn xuống thấy mình đang đứng trên cao bao nhiêu người. Nếu biết rằng cha mẹ là người đã cho mình mượn cửa để ra để được làm người được có thân xác để tu tiếp lên thành tiên thành Phật. Chắc họ không còn oán giận mẹ cha nữa mà còn biết ơn, trả ơn như người đàn ông kia.
– Mẫu quả thực không biết cuộc đời của từng con người vì những con người lầm than, đói khổ kia, những người mù lòa, tàn tật bất hạnh, ai là tiên là Phật hay bồ tát giáng trần để tu tiếp lên cõi cao hơn. Nếu nghĩ rằng không có những con người ấy cho ta ra đời, cho ta ăn uống, nơi ăn chốn ngủ từ khi ta còn quá nhỏ, chắc ta đã không còn ở đây hoặc còn lầm than hơn vạn lần.
Lậy Mẫu! nghe chuyện của Mẫu vừa kinh hãi vừa hi vọng. Nhưng để một ai đó tin lời con truyền đạt là việc khó. Thôi thì cứ cầu Phật cho họ được giải thoát thù hận, giận hờn, căm tức… để trì niệm được linh thiêng.
Vậy thông điệp của Mẫu là gì? An ủi các vị bồ tát, tiên thiên, tiên thánh, tiên thần, giáng thế để mau thành chính quả hay là hãy yêu thương mọi người, nhiều hơn nữa kể cả khi kẻ đó nghi ngờ, thù ghét, căm giận mình. Hay từ nay nhìn những người nghèo khổ, khó khăn, bệnh tật, khiếm khuyết thân thể, con phải tôn trọng họ.
Mẫu: – Anh hãy nhớ lời dậy của Phật “Hãy tự mình đứng lên mà đi, tự mình cứu lấy mình, đừng trông đợi vào ai cả…” Không tự mình trút bỏ thù hận, căm ghét thì cầu xin, trì chú, tụng kinh, niệm Phật có ích gì? Yêu thương và tha thứ bao nhiêu cũng không đủ. Thù ghét nhau một chút cũng là nhiều, lãng phí cả một cuộc tu hành, thử thách.
Lão Nhà Quê – Vi Diệu Nam Dược