CHUYỆN ĐI LỄ ÔNG HOÀNG BẨY – HAY LỄ SAO CHO LINH

Năm ấy chúng tôi hẹn nhau đi lễ ông Hoàng Bẩy, thuê chung một chiếc xe 16 chỗ. Nhưng khi thấy mọi người đi lễ, chủ xe cũng đòi đi và đưa cả gia đình 6 người theo. Vậy là thiếu chỗ ngồi. Cãi nhau mãi cuối cùng tôi phải tự đánh xe chở những người còn lại đi. Mục đích ban đầu là đi Ông Hoàng Bẩy nhưng nay chủ xe lại muốn cả đoàn đi các đền ở Tuyên Quang trước. Chủ xe đã quyết định miễn phí tiền xe nên đồng bọn hoan hỉ mà theo lệnh khỏi cần suy nghĩ.

Loanh quanh ở Tuyên Quang đến 20h do gặp bao nhiêu chuyện trục trặc, hỏng xe, lạc đường, lạc đoàn… Chúng tôi quyết định đi tiếp lên Đền Ông Hoàng Bẩy vừa đi vừa tìm chỗ ăn chiều. Có xe tai nạn đổ hết sắt xuống đường, thế là phải quay lại tìm đường khác. Lần này thì xe cẩu đổ chắn hết đường. 23h vẫn chưa ra khỏi TP Tuyên Quang, đành tìm chỗ ăn tối. Khốn nạn! Quán phục vụ xe tải ăn đêm nên chỉ có phở, muốn ăn thêm mỗi người nửa bát cũng không có. Phòng trọ thuê không đủ chỗ nên kẻ dưới đất, người trên giường vạ vật như lũ thất trận. Chẳng ai ngủ được, chúng tôi dậy sớm để lên đường. Khốn nạn, vật vờ mãi, người ta mới mở hàng.

Không thể kể hết cái khổ cái vất vả qua 1 ngày 1 đêm. Cuối cùng trưa chúng tôi cũng đến đền Ông Hoàng Bẩy. Đến nơi, việc đầu tiên là vào trách Ông: Chúng con thành tâm đến lễ, cái con nặc nô kia, nó thay đổi chương trình, cái bọn hám lợi được tý thì phá ngang. Con có tội gì đâu mà ông hành con ghê thế.

Ông Bẩy trả lời thế này:

1 – Sao anh không tách đoàn đi thẳng lên đây mà lại đi theo chúng nó. Xe riêng anh chủ động được mà.

2 – Anh nhìn đi, cỗ bàn, đồ lễ ê hề thế kia, không có chỗ mà bầy, tôi cần gì. Các anh, các chị đến kêu cầu tôi, chứ tôi có kêu cầu đến đây đâu. Mỗi ngày có hàng ngàn người đến, thiếu vài người có quan trọng gì.

Anh đi lễ bao năm mà không hiểu gì, lại còn ty toe làm thầy. Ông kéo tôi ra triền sông cho đỡ ồn ào:

– Thế này nhé! Khi anh định đi lễ đâu, các cụ nhà anh đã biết đã hoan hỉ lắm rồi, đã lên ngay đây bẩm báo với các quan cai quản, phụ trách các bộ phận, từ tiếp đón, kiểm đếm, ghi nhận… mong ngày ấy, hôm ấy… con cháu nhà tôi lên xin các ngài lưu ý cho. Khi xuất hành ra khỏi nhà là đã lại lên bẩm báo trước: “các con cháu nhà tôi đã đi rồi ạ, chắc chỉ mấy giờ là đến nơi”. Khi anh đặt lễ là các cụ đứng canh ngay cạnh mâm, đĩa lễ, đợi các quan đi qua để báo cáo: Mâm lễ này, hay đĩa quả này, tiền này… là của dòng họ… con cháu nhà tôi dâng cúng, xin các ngài lưu tâm cho. Thi thoảng tôi đi kiểm tra, duyệt các mâm lễ, lại trình, lại báo rất chu đáo nhiều lần. Chỉ mong các vị thần thánh bên này, khi nhận tâm đức của con cháu nhà mình. Mâm cao cỗ đầy hay dù chỉ là 1 đĩa, 1 quả. Thành tâm, các ngài có khi còn cảm động hơn 5 – 7 mâm lễ mà cãi nhau chí chóe, chuyện chia tiền hay tranh dành đặt chỗ, đặt lễ…

Việc hôm qua của các anh tôi biết: 15 người hẹn nhau đi lễ là đại diện cho 15 gia đình dòng họ. Các gia tiên, tiền tổ, các vong linh, hương hồn của 15 dòng họ đã đến đây trình báo, hò hẹn với các thánh, thần nơi này. Từ lúc có ý định – lúc đi mua sắm hoa quả, đồ lễ, vàng mã – Lúc xuất phát lên đường… Vậy mà các anh lại rẽ ngang đi nơi khác. Hỏi họ có điên không? Vì đã làm nhục họ với mọi người đang cai quản nơi này? 15 nhà ấy với bao nhiêu vong linh đi theo, hợp lực lại, họ có đủ sức hành anh khốn khổ khốn nạn không? Chưa hết đâu, chủ xe vì thích oai mà bắt mọi người theo mình, sau này còn khốn khổ hơn nhiều.

Ông kể chuyện:

– Có người vì muốn mua hàng rẻ nên chê ỏng chê eo, nào là hoa héo, quả thối, ươn dập để dìm giá. Khi các quan hỏi mâm lễ này của ai? Các cụ vong chẳng dám nhận của con cháu nhà mình. Vì các cụ tưởng nó mua đồ đểu thật. Có nhà đi mua nợ tiền, lên lễ, vong nhà bán hàng chẳng chịu. Nó đứng canh ai đi qua nó cũng bảo đồ lễ này của nó vì nhà kia chưa trả tiền. Ít tiền mua 1 vài quả cũng được, việc gì phải chịu nợ để rồi việc đi lễ phí công vô ích. Có nhà thì hương chưa kịp cháy một phần đã vội hạ lễ, trong khi các thánh, thần chưa kịp đi tuần, ghi nhận, dòng họ nhà nào dâng lễ. Mấy ông đi theo chỉ mong hạ nhanh để mang ông gà ra nhậu. Có nhà hạ lễ, tranh thủ hạ luôn của nhà khác. Hoặc có gì ngon nhà họ thì bốc sang mâm nhà mình coi đó cũng là lộc. Có nhà vợ mua nhiều một tý thì chồng cằn nhằn, ăn được éo đâu mà mua lắm thế. Chẳng hóa ra các ngài ăn của “đéo” nhà chúng nó.

Ông kể nhiều chuyện nữa như nhiều nhà đổi bằng được tiền lẻ. Đến ban nào cũng đặt 1.000đ, 2.000đ họ có biết đâu, ban nào oai linh hơn ban nào. Như Ban Sơn trang chỉ có mỗi bà chúa Thượng ngàn là có đẳng cấp. Trong khi ban Đức Thánh Trần có hàng chục vị thánh theo hầu. Các vị này đều có đền thờ riêng rất linh như Yết Kiêu, Ngũ lão, giã tượng, thánh Tản (con trai cụ đền Cửa Ông)… Giá như họ biết chỉ cần đặt ở ban Công Đồng để các quan công đồng, phân chia, ban phát cho từng vị mẫu, vị thánh, các ban khác theo đẳng cấp, thang bậc trong đền…

Lộc thì mong lớn, đòi to nhưng lễ thì tiền lớn lại đổi thành tiền lẻ, phát như phát chẩn cho ăn mày.

Có nhà đóng góp tiền công đức mang phiếu về, trân trọng dâng lên ban thờ. Để làm gì? Khoe với gia tiên nhà mình chăng? Sao không hóa luôn cùng vàng mã tại đây để các ngài chứng cho.

Thì ra là vậy khi ta đi lễ đâu các cụ đã đi trước, đi cùng và ở lại để trình bẩm cho chúng ta được chứng tâm, chứng lễ mà ta đâu biết. Vội đi, vội đến, vội về thành vô ích.

Từ đấy mỗi khi đi lễ tôi rất thận trọng khi hứa đi hay hứa tham gia. Mua hoa, quả cũng phải lựa lời mà nói: Chị ơi, cô ơi, hôm nay tôi mua hoa quả đi lễ, hay về làm lễ. Chị chọn cho hoa tươi, quả tốt, để dâng các ngài nhé. Đồ lễ, lễ xong tôi để nguyên đó chẳng dám hạ. Vì biết đâu, mai các ngài mới đi duyệt, chứng lễ thì mình thật phí công, bởi có câu “Đã dâng các ngài thì đừng tiếc, đã tiếc thì đừng dâng”.

Vì vậy:

1 – Trước khi đi lễ đâu, thay mấy chén nước, thắp hương mời các quan thần linh, đức thánh tổ, bà cô tổ, các cụ tổ tiên hai bên nội ngoại,các vong linh hương hồn cùng đi với chúng con đến đền, chùa … địa chỉ… (Để các cụ hoan hỉ đi cùng kêu cầu cho chúng ta).

2 – Đặt tiền mệnh giá lớn, tại ban công đồng hơn vạn lần đổi tiền lẻ rải lung tung (hoặc thả hòm công đức).

3 – Khi mua hoa quả nói lời hay ý đẹp, vui vẻ nhân ái với người bán hàng.

4 – Phiếu ghi tiền công đức thì hóa ngay tờ, đó cùng tiền vàng, không mang về (kể cả ghi hộ, công đức hộ).

5 – Đã dâng thì đừng mang về vì đã đặt lên ban thờ để lễ rồi thì đừng tiếc.

Lão Nhà Quê – Vi Diệu Nam Dược

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *